Sau hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi xe bus, bọn mình đã đến thành phố Hiroshima - nơi quả bom nguyên tử đầu tiên đã ném xuống (ngày 6/8/1945). Thành phố rất thơ mộng, xinh đẹp và yên ả, cách Tokyo 680km, là thành phố lớn nhất vùng Chogoku Shikoku với hai nhánh sông trong vắt và rất nhiều cây cầu lớn nhỏ, tạo cho thành phố dáng vẻ mềm mại, tươi tắn kỳ lạ. Đến thăm Công viên kỷ niệm hòa bình, được mắt thấy tai nghe những điều trước đây chỉ được đọc và xem trong sách báo, phim ảnh, mới thực sự thấm thía sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và ý nghĩa vô giá của hòa bình. Mình chụp đến mấy chục kiểu ảnh tại đây – nơi ghi lại bao nhiêu chứng tích tội ác của chiến tranh. Ngôi nhà mái vòm bom nguyên tử nằm ngay gần công viên, còn giữ nguyên vẹn tình trạng đổ nát cách đây hơn nửa thế kỷ và là một trong số rất ít ngôi nhà của thành phố Hiroshima khi đó không bị san phẳng như sa mạc. Còn dòng sông trong vắt đang êm đềm chảy với rất nhiều tàu bè, canô qua lại, không ai có thể tin được nửa thế kỷ trước lại là “dòng sông xác chết”, nơi hàng ngàn người dân Hiroshima bị bỏng đã tìm đến trầm mình và chết gục ngay tại đó. Tượng đài ghi nhớ tội ác bom nguyên tử đặt tại giữa trung tâm công viên, là nơi đến ngày hôm nay đã cất giữ trong lòng nó 75 cuốn sách ghi tên những người đã chết bởi hậu quả của bom nguyên tử. Hàng năm, cứ đến ngày 6/8, tại đây lại diễn ra lễ cầu nguyện cho những người đã khuất, và danh sách những người tiếp tục chết do di chứng chất độc vẫn ngày một dài thêm. Ngay đằng sau tượng đài là một cái ao hình chữ nhật gọi là “Ao hòa bình”, và trên đó luôn cháy sáng một ngọn lửa trên một chiếc bệ có hình dáng hai bàn tay xòe ra – tượng trưng cho mong muốn hòa bình của người Nhật với lời thề: Sẽ giữ ngọn lửa cháy cho tới “khi nào không còn vũ khí nguyên tử trên thế giới này nữa”. Đặc biệt, ở bất cứ nơi nào trong Công viên kỷ niệm hòa bình cũng có thể bắt gặp vô vàn những con Sembaruru (con cò) được gấp bằng giấy: ở ngôi mộ tập thể, ở các bia đài tưởng niệm, và nhất là ở dưới chân Đài kỷ niệm hòa bình của Trẻ em, được xây dựng khi một em bé gái tên là Shadako bị bệnh do nhiễm phóng xạ, nhưng em tin là nếu em gấp được 1000 con cò giấy thì điều hạnh phúc sẽ đến với em, em sẽ khỏi bệnh. Nhưng em không qua khỏi. Và các bạn học của em đã cùng các học sinh và nhân dân cả nước Nhật Bản quyên góp xây dựng tượng đài, như một lời cầu nguyện an ủi linh hồn bé bỏng (có học sinh của 3100 trường trên đất Nhật Bản và 9 nước khác). Khi vào thăm Viện bảo tàng đặt đối diện với Tượng đài ghi nhớ tội ác bom nguyên tử, không ai không lặng người trước sự mất mát kinh hoàng khủng khiếp khi trái bom nguyên tử nổ vào 8h15’ ngày 6/8/1945. Vượt xa mọi sự tưởng tượng của con người! Những chứng tích ghê gớm còn sót lại như một lời nhắc nhở sâu sắc đến những ai còn cảm thấy mơ hồ với chiến tranh. Mình đã cùng mọi người viết những dòng cảm tưởng vào cuốn sổ lưu niệm với một điều tâm huyết: “Cho mọi linh hồn an nghỉ nơi đây trong hòa bình – vì chúng ta sẽ không bao giờ cho phép lặp lại tội ác này ” (Dòng chữ khắc trên hộp đá cất giữ những cuốn sách ghi tên các nạn nhân của bom nguyên tử )
Buổi tối quay trở lại công viên, cảm thấy thật xa xôi giữa quá khứ khủng khiếp năm xưa và cảnh đẹp thơ mộng bây giờ. Không gian thật trong trẻo và rộng lớn. Như chưa từng bao giờ có chiến tranh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét