Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

OSIC – OSAKA, 2.6

Sáng nay bọn mình tiếp tục học tiếng Nhật, nhưng có giảng viên mới thật tuyệt vời, vừa xinh xắn, cao ráo, vừa tươi tỉnh, nhiệt tình, lại rất biết cách truyền đạt nữa, làm bọn mình hào hứng hẳn lên. Cô có tài đóng kịch rất khéo các tình huống có thể diễn ra trong thực tế để diễn đạt ngôn ngữ cần sử dụng với phong cách nói điển hình của người Nhật: có chút gì đó vội vã, lật đật, nhưng cũng rất ấn tượng và đáng yêu. Bắt đầu từ 11h30, bọn mình được tham gia một chương trình vừa thú vị, vừa rất khó cho cả buổi chiều - đó là thực hành tiếng Nhật với những người bạn Nhật đầu tiên tình nguyện tham gia chương trình. Tâm trạng chung của mọi người đều rất háo hức muốn được khám phá thật nhiều, nhưng cũng xen lẫn chút lo lắng, hồi hộp không biết sẽ thể hiện thế nào và để lại được ấn tượng gì với những người bạn mới. Đúng 11h30, khi bọn mình có mặt tại nơi tập trung, đã thấy các bạn Nhật (đủ mọi lứa tuổi – tình nguyện mà!) đang ngồi chờ sẵn ở những hàng ghế đôi có đánh số thứ tự. Bên cạnh mỗi người đều có một ghế trống, và bọn mình cứ theo thứ tự tên mình trong danh sách để tìm người bạn ngẫu nhiên có số ghế tương ứng. Bạn Nhật của mình là một bạn gái, tên là Mihoko Mukai, trạc bằng tuổi mình (mình đoán thế, nhưng không tiện hỏi vì tôn trọng phong tục của họ) vóc người nhỏ nhắn, dễ thương, nói tiếng Anh như gió (thế mới nguy chứ, vì vốn tiếng Anh của mình chỉ nhiều hơn… vốn tiếng Nhật chút xíu!) Hai bên rối rít chào hỏi, làm quen, có bao nhiêu câu tiếng Nhật nói “sõi” nhất thì trình bày cho bằng hết (để gây ấn tượng mà!) và nồng nhiệt tặng quà kỷ niệm cho nhau. Mình tặng bạn một tập tranh phong cảnh Việt Nam, 1 tấm huy hiệu Bác Hồ, 1 tấm huy hiệu Đoàn và được bạn tặng lại bức chân dung một phụ nữ Nhật Bản mặc kimono nhỏ xíu được gấp bằng giấy màu rất khéo (người Nhật có “đặc sản” là nghề gấp giấy, và bao giờ cũng tặng quà ngay từ phút đầu tiên, bởi họ quan niệm tặng sau giống như một sự trả ơn vậy).
Nhưng đến khi cùng nhau chọn địa điểm để cùng đi chơi thì bắt đầu lâm vào tình trạng lúng túng vì… bí từ! Bọn mình ai cũng có một cuốn “Hành trình mẫu” giới thiệu khá chi tiết về 12 địa điểm du lịch thuộc 2 thành phố Kyoto và Osaka, cùng mọt cuốn cẩm nang “Nihon 21” lăm lăm trên tay, nhưng những điều mình nói theo các mẫu câu có sẵn trong sách thì bạn hiểu được ngay, nhưng khi bạn đáp lại bằng một tràng tiếng Nhật líu lo thì mình chịu chết, chẳng hiểu gì. Mà chẳng riêng gì mình, xung quanh cả đoàn cũng đều chung tình trạng ấy. Thế là… mạnh ai nấy tùy khả năng của mình để sáng tác một thứ ngôn ngữ mới: cả tiếng Anh “bồi”, tiếng Anh pha lẫn tiếng Nhật, kèm theo cả ngôn ngữ “hoa chân múa tay” nữa, nên đã xảy ra nhiều chuyện rất buồn cười. Bên cạnh mình, Hiệp (Ban TTVH Trung ương Đoàn) tặng cô bạn gái một chiếc bình gốm Bát Tràng rất xinh, chắc để đựng đồ kim chỉ vá may. Đến khi bạn hỏi bằng tiếng Anh: “Dùng để làm gì?”, anh chàng bí quá làm động tác “xe chỉ luồn kim”, nhưng vì động tác của con trai quá cứng và vụng về, nên đến đoạn diễn tả dùng kim khâu vào tay áo thì cô bạn sáng mắt “hiểu “ra ngay, sung sướng reo lên: “Dùng để tiêm à?” (!) Còn anh Chinh – Trưởng đoàn (Bí thư tỉnh đoàn Bắc Cạn) thì chẳng cần tiếng Anh, cũng chẳng cần ra hiệu, cứ chỉ hết dòng nọ đến dòng kia trong cuốn “Nihon 21” vừa chỉ vừa đọc, sai bét cả ngữ điệu, cũng chẳng hợp tình huống tí nào, nhưng vì có sẵn dòng chữ Nhật song ngữ kèm theo nên các bạn đều hiểu và cười rất vui vẻ. Mình thì “gỡ bí” bằng cách xòe hai bàn tay dạy Mihoko đếm bằng tiếng Việt từ 1 đến 10, thế mà cũng “qua” được một chặng xe bus khá dài (các bạn Nhật hầu như không ai biết một từ tiếng Việt nào và cũng biết rất ít về VN).
Mình mang tập anbum về gia đình, bạn bè ra giới thiệu, và được biết thêm Mihoko đã học xong đại học, có chồng là kiến trúc sư, có nhà ở Kyoto, có 2 con (1 trai, 1 gái) và hiện chỉ ở nhà lo việc nội trợ (tình trạng này khá phổ biến ở Nhật: phụ nữ học xong đại học, có nghề nghiệp đàng hoàng, thậm chí có thu nhập cao là khác, nhưng cứ lấy chồng rồi là phải bỏ việc ở nhà trông nom gia đình). Thế mới phí chứ! Càng tiếc hơn khi thấy Mihoko nói tiếng Anh rất giỏi (đến mức mình phát xấu hổ vì kém bạn nhiều quá), giao tiếp cũng rất khéo và chu đáo từng li từng tí. Trong cái túi xách xinh xắn của bạn ấy như có phép màu của Thạch Sanh, chứa được bao nhiêu là thứ, cần cái gì là có cái ấy: từ hộp tăm, tập giấy ăn, đến chiếc bút máy, cái kẹo, lọ dầu gió, thuốc chữa đau bụng, nhức đầu… (Điều này chắc chắn mình phải học tập rồi!)
Theo chương trình thì mỗi cặp bạn Nhật – Việt sẽ tự do lựa chọn hành trình đi chơi trong khoảng thời gian 6 tiếng, nhưng ngẫu nhiên trên đường đi, bọn mình gặp và kết nhóm với 2 cặp khác: Bình (Hưng Yên), anh Chinh (Bắc Cạn) cùng một cô bạn Nhật rất trẻ, chỉ chừng 16, 17 tuổi và một bác tuổi đã trung niên nhưng rất nhanh nhẹn và vui tính. Sau một hồi bàn bạc sôi nổi cả bằng mồm miệng lẫn chân tay, cả nhóm quyết định đến Tennoji – một khu vực có rất nhiều thắng cảnh đẹp như: Công viên Tennoji (trong khuôn viên có cả vườn Bách thú, bảo tàng Mỹ thuật thành phố, vườn Keitakuen), Chùa Stitennoji cổ nhất Nhật Bản, gần đó là Tsutenkaku (Thông thiên các) lấy mẫu từ mô hình tháp Ephen (Pari), rồi cả khu giải trí Festival Gate… - toàn là những lời mời gọi đầy hấp dẫn. Ngoài ra, mình còn một lý do nữa để lựa chọn là: để đến được Tennoji, phải qua một hành trình khá dài với nhiều loại phương tiện: đi xe bus đến ga IR Ibaraki, rồi từ đó đi tàu điện nổi đến ga IR Osaka, sau đó đến ga tàu điện ngầm Umeda mua vé đến ga Tennoji, cuối cùng đi bộ khoảng 5’ nữa thì đến nơi (phải thử tất cả mọi “cảm giác” về các loại phương tiện chứ!) Quả thật mình thấy rất choáng ngợp và khâm phục sự khoa học, tiên lợi trong hệ thông giao thông, sự hiện đại của kết cấu hạ tầng và mức độ tự động hóa rất cao ở NB. Chẳng hề thấy bóng một cảnh sát giao thông nào trên đường mà mọi việc vẫn cứ diễn ra quy củ, trật tự: không có vi phạm luật lệ giao thông, không thấy tai nạn xe cộ, cũng chưa thấy cảnh ùn tắc giao thông. Người dân chủ yếu đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng, và hầu như rất ít người biết được chính xác quãng đường từ nhà mình tới nơi nào đó dài bao nhiêu km, mà chỉ áng chừng: đi khoảng 15 hay 30 phút tàu điện ngầm hoặc xe bus… Tất cả các ga, đặc biệt là ga tàu đều được xây dựng rất đẹp và hiện đại với hệ thống sơ đồ chỉ dẫn các tuyến đường, các chuyến tàu và giá vé từng tuyến. Muốn đi đâu đó chỉ việc đến quầy bán vé tự động, bỏ tiền vào máy, ấn nút chọn giá vé tương ứng với tuyến đường định đi, máy sẽ tự động nhả vé ra và trả lại tiền thừa. Nếu đi quá ga đã mua vé thì khi ra khỏi ga, chiếc barie tự động sẽ đóng lại, buộc phải mua thêm vé bổ sung cho đủ giá cước. Thật tiện lợi và dễ dàng trong quản lý, tránh được cảnh ùn tắc, lộn xộn và tạo cho người tham gia giao thông cảm giác thoải mái, văn minh, dễ chịu biết bao!
Đến ga IR Osaka đã là 12h30’, tất cả các dạ dày đều đồng loạt “biểu tình”, nhưng hình như cả 3 người bạn Nhật trong nhóm đều chưa từng đến đây bao giờ (mọi người đều sống ở Kyoto) nên hăng say bàn cãi đến 20’ vẫn chưa quyết định được nên ăn ở nhà hàng nào. Các bạn chắc lo bọn mình chưa quen ăn các món ăn NB nên cứ hỏi mãi xem bọn mình muốn ăn gì. Đành trả lời “ăn gì cũng được” vì mấy ngày vừa rồi ở Trung tâm Osic toàn chỉ ăm bánh mì, cơm, salat, trứng, sữa, tôm, thịt chiên… tóm lại là toàn món ăn giống ở VN, chứ nào đã biết món ăn NB thế nào! Cuối cùng chọn một nhà hàng Fast food – một món ăn rất phổ biến ở Nhật. Ai muốn ăn gì thì tự chọn, tự trả tiền, ăn xong tự thu dọn đồ ăn thừa bỏ vào nơi quy định. Mình rất khoái kiểu ăn này, vừa tiện lợi, vừa chủ động, có thể ăn tại chỗ, cũng có thể vừa đi vừa ăn ngoài phố (Ồ, điều này thì khác ở VN mình rồi!). Trong chuyện ăn uống, người Nhật rất sòng phẳng, dù có mời nhau đi ăn thì cũng ai ăn người ấy trả tiền (Kể ra thì cũng hơi trái với quan niệm về lòng hiếu khách của người VN, nhưng suy cho cùng, cũng có nhiều cái hay đấy chứ!)
Cửa hàng rất đông khách với những bộ bàn ghế xinh xắn chỉ dành cho 1-2 người, khó có thể tìm được chỗ nào xếp đủ một “mâm” cho nhóm mình. Tự giác xếp vào hàng người đứng rất trật tự, tự giác di chuyển đến quầy bán hàng, bọn mình mỗi người tự chọn một vài món rồi tìm chỗ ngồi, vừa ăn vừa nói chuyện, vừa thích thú quan sát xung quanh. Mọi người ở đây ăn mặc rất đa dạng, hiện đại và thoải mái, thậm chí thoải mái hơn cả ở VN, chứ không mấy ai chịu gò bó, khuôn phép trong trang phục kimono truyền thống như những bộ phim về NB mà mình đã từng xem. Hình như không mấy người để ý đến xung quanh, ai cũng có vẻ vội vã, tranh thủ thời gian, có người vừa ăn vừa đọc sách, có người vừa ăn vừa rảo bước. Và ngay như bọn mình đây, ăn cũng có “nhàn” đâu, còn phải tận dụng cơ hội hoa chân múa tay giải thích với các bạn rằng: món này tiếng Việt gọi là gì, bữa ăn VN gồm những món chính nào, cách ăn uống ra sao… Điều làm bọn mình thấy rất dễ chịu ở những người bạn mới là: chẳng biết họ hiểu đến đâu những điều bọn mình nói (bằng cả 3 thứ ngôn ngữ: Anh, Nhật, Chân tay) nhưng họ luôn tỏ ra háo hức, chăm chú lắng nghe và tán thưởng bằng tất cả các điệu bộ: mắt, mũi, miệng, chân, tay (riêng về cách biểu lộ tình cảm bề ngoài thì người Nhật luôn tỏ ra nồng nhiệt và chân thành chứ không quá giữ ý và khách sáo như người VN mình) làm bọn mình thấy phấn chấn, tự tin hẳn lên.
Nhưng tiếc là đã lãng phí hơi nhiều thời gian, vì mãi đến 13h40’ mới đến được Tennoji, muộn hơn các nhóm khác rất nhiều (có nhiều nhóm cũng đến Tennoji nhưng “khôn” hơn vì mua đồ ăn sẵn mang đến công viên ăn. Ừ nhỉ, sao bọn mình ngốc thế?) Mua vé vào vườn Keitakuen, với hy vọng được ngắm nhìn điều gì đó thật đặc biệt, nếu không được như vườn treo Babilon thì cũng phải thể hiện được phong cách đặc sắc của nghệ thuật Bonsai hay nghệ thuật cắm hoa của người NB. Nhưng hơi thất vọng vì thực tế thì cũng chỉ đẹp ngang Thảo cầm viên của VN mình. Tất nhiên là có nhiều loại cây và hoa lạ ở VN không có, nhưng chủ yếu được trồng và mọc một cách tự nhiên, không mang dấu ấn bàn tay sửa sang cắt tỉa của con người. Rất nhiều cây, vô số các loại cây khác nhau mọc ở khắp mọi nơi, ở bất cứ chỗ nào cây cỏ có thể mọc được, kể cả những kẽ đá, bờ tường và người Nhật có vẻ sẵn sàng chấp nhận chúng như một lẽ tự nhiên. Mà không chỉ trong công viên, từ hôm sang NB đến giờ, đi đến bất cứ đâu: trong khách sạn, nhà hàng, tiệm ăn, sân chơi, đường đi…, ở đâu mình cũng có cảm giác người Nhật rất yêu thích và tôn trọng thiên nhiên. Họ luôn tìm cách tạo ra những không gian cho màu xanh tồn tại. Nhiều đường phố không lớn lắm, vỉa hè cũng không rộng nhưng cỏ dại cứ thản nhiên mọc um tùm từng bụi ven đường, trong các bồn cây, cả ở dải phân cách nữa, nhưng có vẻ không làm ai bận tâm, (trong khi mình chắc họ có quá thừa các điều kiện để dọn tỉa sạch sẽ nếu muốn) Trong thành phố vẫn có lô nhô đồi núi, rừng cây xen lẫn nhà cửa cao thấp và những đường tàu cao tốc uốn lượn vòng vèo, nhưng nhìn tổng thể vẫn rất đẹp – đẹp một cách tự nhiên và hợp lý. Trong công viên cũng có cả những người vô gia cư đi lang thang hay nằm vạ vật trên bãi cỏ, trên các bậc cầu thang, nhưng không thấy ai chìa tay ra xin khách qua đường. Khách tham quan rất nhiều, chủ yếu là người Nhật – họ đi thành từng đoàn, sôi nổi trò chuyện và ngắm nghía xung quanh. Chắc họ từ các thành phố khác đến (với hệ thông giao thông hiện đại như thế, chuyện đi chơi từ thành phố nọ sang thành phố kia rồi lại trở về trong ngày là chuyện nhỏ!) Có rất nhiều loài chim nhởn nhơ bay lượn, nhiểu nhất là quạ. Có nhiều cá nữa, từng đàn cá chép màu vàng, màu đen, to cỡ 1kg/con cứ bơi lội tung tăng trong hồ, trong suối mà chẳng bị ai phá phách, trêu chọc. Có cả một đàn rủa đông đến 9-10 con bình thản bò lên sưởi nắng giữa hồ. Hoa nở khắp nơi trên những bụi cây mọc lòa xòa che rợp cả lối đi. Không khí thật thanh bình và trong trẻo. Tiếc là bọn mình sang Nhật khi đã hết mùa hoa Anh đào (Anh đào nở vào mùa xuân) nên không được thưởng thức vẻ đẹp của rừng hoa Anh đào và cũng bỏ lỡ dịp may được ngồi dưới gốc cây uống rượu Sakê và ngắm hoa cùng với bạn bè và người thân – như thói quen của tất cả những người dân Nhật. Câu nói cửa miệng mình nói nhiều và “chuẩn” nhất trong chuyến đi chơi ngày hôm nay là: “Kore wa Nihongo de nan desu ka?” (Cái này tiếng Nhật gọi là gì?) Biết thêm được vô số từ mới và cũng dạy được các bạn khá nhiều từ tiếng Việt tương ứng rồi đấy.
Rời Vườn Keitakuen, bọn mình đến thăm ngôi chùa Shitennoji cổ nhất NB do Thái tử Shotoku xây dựng. Khuôn viên chùa rất rộng, nhưng không mang dáng vẻ cổ kính, trầm mặc, thâm nghiêm như các đền chùa ở VN mà sang trọng, hiện đại như phong cách đền chùa ở Thái lan vậy. Nhưng mùi hương trầm phảng phất dễ chịu vẫn gợi cho mình cảm giác ấm áp, gần gũi, thân thuộc như ở quê hương. Trước khi bước vào cổng chùa, ở phía tay phải có một bể nước to trong vắt có mái che, với rất nhiểu chiếc gáo bằng gỗ xinh xắn xếp hàng ngay ngắn. Mihoko giải thích cho mình hiểu: theo phong tục ở NB, trước khi vào chùa mọi người thường lấy gáo múc nước rửa sạch tay, sau đó vụm một ngụm nước trong tay rồi uống – với ý nghĩa “tẩy sạch bụi trần”. Chà, nước thật trong, thật mát và ngọt nữa. Đi bộ suốt từ nãy đến giờ dưới nắng hè chói chang, uống ngụm nước mát bỗng cảm thấy tỉnh táo, khoan khoái như đươc uống “nước thánh” vậy!
Trong khuôn viên chùa chia làm 2 khu: khu điện Bảo vật và khu điện thờ. Điện Bảo vật có 5 tầng, cao vút như tháp chùa Cổ Lễ, nhưng kiến trúc trông cầu kỳ và sang trọng hơn. Tiếc rằng bọn mình đến quá muộn giờ nên điện đã đóng cửa, không vào bên trong được. Còn điện thờ cũng chia làm 3 gian thờ chính như ở VN, nhưng dáng vóc các tượng thờ khác nhiều, tuy ngắm kỹ thì vẫn có thể đoán được đâu là tượng Phật, đâu là ông Thiện, ông Ác và các vị hộ pháp. Xung quanh 4 bức tường vẽ kín những bức tranh sặc sỡ kể về một số điển tích cổ nào đó, nhưng vì vốn giao tiếp quá ít nên mình không thể hỏi thật cặn kẽ về nguồn gốc, ý nghĩa của các bức tranh. Điều làm mình tiếc nhất trong suốt cuộc đi chơi này, và cũng tự trách mình nhiều nhất, chính là việc mình có quá ít vốn liếng tiếng Nhật, còn tiếng Anh cũng chẳng giỏi giang gì nên đã bỏ lỡ nhiều thời cơ tìm hiều kỹ hơn về phong tục và con người NB. Giá như chương trình “học tiếng Nhật qua thực tế” này lùi lại thêm vài ngày nữa để bọn mình có thêm thời gian học tập và chuẩn bị kỹ càng hơn thì chắc chất lượng chuyến đi này sẽ thú vị hơn rất nhiều. Rời khỏi chùa Shitennoji sau khi đã dạy các bạn học thuộc lời niệm “Nam mô a di đà Phật” thì cả nhóm đều đã thấm mệt. Mồ hôi thấm ướt vai áo xanh tình nguyện của thanh niên VN và cũng lấm tấm ướt bết tóc mai trên làn da trắng hồng tuyệt đẹp của các cô gái Nhật, nhưng hình như mọi người đều cảm thấy vô cùng phấn chấn trước thành công của chuyến đi. Mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều mỗi khi cất lời chào “Konnichiwa” với những người dân gặp trên đường và được nhận lại lời chào nồng nhiệt cùng nụ cười tươi và ánh mắt thoáng chút ngỡ ngàng của họ. Những người bạn Nhật đầu tiên đã để lại trong long mình những ấn tượng thật tốt đẹp: nồng nhiệt, thân thiện, chu đáo và rất dễ mến. Chỉ trong 6 tiếng đồng hồ, mình đã học thêm được rất nhiều điều trong giao tiếp, trong việc chuẩn bị và thiết kế chương trình hoạt động, hiểu biết thêm về đất nước và con người NB. Mình có thêm rất nhiều lý do để hy vọng vào hành trình những ngày sắp tới trên đất nước Hoa Anh đào tươi đẹp này sẽ có thêm nhiều điều kỳ thú và bổ ích. Trở về bến xe bus của Jica đúng 6h. Rất thật lòng khi bắt chặt tay các bạn nói lời tạm biệt: “Arigato gozaiimashita. Ja, mata ashita!” - Cảm ơn nhiều lắm. Hẹn gặp lại! (Vì bọn mình sẽ còn được gặp lại các bạn một lần nữa trong bữa tiệc chia tay trước khi trở về VN).
Buổi tối sinh nhật Thảo – Trưởng nhóm Giáo dục bọn mình. Thảo thật may mắn đã có một sinh nhật thật đăc biệt trên đất Nhật. Mặc dù rất mệt sau một chuyến đi dài, nhưng cả nhóm đều tề tựu tương đối đông đủ. Uống rượu Sakê nổi tiếng của Nhật (rượu Sakê rất thơm- thơm như mùi rượu nếp và dễ uống nữa), nghe nói có rất nhiều loại Sakê, có loại uống nguội, có loại phải hâm nóng lên mới uống. Người Nhật cũng hay uống rượu, nhưng không bao giờ ép nhau, ai uống được bao nhiêu thì uống. Và nhìn chung thì các điều phối viên đều nói: Người Nhật rất ghét sự dối trá, cho dù là sự nói dối xã giao hay định lấy lòng đi chăng nữa…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét