Sáng nay có bài giảng về “Con người và xã hội Nhật Bản” do một giáo viên người Nhật – Bà Yasuda Masae, 54 tuổi, thuộc Trung tâm dạy tiếng Nhật cho lưu học sinh của trường Đại học Ngoại ngữ Osaka giảng dạy. Khi được tìm hiểu sâu hơn, mới thấy Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng với nhau, cả về điều kiện địa lý, khí hậu, cả về truyền thống văn hóa – xã hội… Cùng nằm ở phía Đông nam châu Á, diện tích xấp xỉ bằng nhau (Nhật lớn hơn Việt Nam một chút), lãnh thổ cùng trải dài từ Bắc đến Nam và cùng khí hậu ôn đới gió mùa, có 4 mùa rõ rệt. Cùng có nghề trồng lúa nước từ xa xưa (hơn 2000 năm), cùng chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo và Nho giáo. Tên họ của người Nhật cũng bắt đầu từ họ rồi đến tên, chỉ khác là người Nhật gọi tên nhau theo họ. Nhật Bản là một quần đảo gồm 4 hòn đảo lớn và gần 4000 hòn đảo nhỏ. Dân số xấp xỉ 126 triệu người. Núi rừng chiếm 2/3 diện tích, còn 1/3 là bình nguyên với 3 vùng đô thị lớn nhất là Tokyo, Osaka, Nagoya (tập trung khoảng 40% dân số, trong đó riêng Tokyo và vùng lân cận chiếm 23,7% dân số). Phật giáo du nhập từ lục địa vào Nhật Bản từ thế kỷ XVI và cùng với Thần đạo – một tín ngưỡng cổ truyền ở Nhật – đã có ảnh hưởng rất lớn tới nền văn hóa – xã hội Nhật Bản. Tư tưởng Nho giáo được phản ánh rõ nét qua chế độ gia đình của Nhật Bản trước chiến tranh Thế giới II (gia đình 3 thế hệ phát triển mạnh, gia đình được coi trọng hơn cá nhân, trẻ phải kính trọng người già, con cái phải nghe lời cha mẹ…) Nhưng gần đây xu hướng tách thành “gia đình hạt nhân” 2 thế hệ và sự bình đẳng nam – nữ đã gia tăng (đặc biệt trong việc phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội). Nhật Bản là một trong những nước có dân số già nhất thế giới (do tuổi thọ cao, sinh ít con), xu hướng kết hôn muộn ngày càng phát triển (nam 28, nữ 26 tuổi). Ở Nhật cũng có nhiều lễ hội thú vị như Lễ Higan (tháng 3 và tháng 9) trước và sau ngày Xuân phân, Thu phân 3 ngày, gần giống lễ Thanh Minh của Việt Nam; Lễ Ôbôn (khoảng từ 13-16 tháng 7 hoặc tháng 8) con cháu đón vong hồn tổ tiên về nhà và về quê giỗ tổ; hay các lễ hội thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên như lễ hội ngắm hoa Anh đào (Sakura) vào mùa xuân, lễ hội ngắm trăng vào dịp trung thu… Đặc biệt, có các lễ hội dành cho trẻ em như Lễ hội các bé gái (3/3), Lễ hội các bé trai (5/5), Lễ hội 3-5-7 (tháng 11) dành cho trẻ em tới tuổi 3, 5, 7. Nền chính trị - pháp luật Nhật Bản dựa trên 2 bản Hiến pháp: Thời Minh Trị (1889) lấy Nhật Hoàng làm trung tâm, thống nhất đất nước, xây dựng Nhật Bản giàu mạnh để khôi phục sự bình đẳng với các nước Âu – Mỹ. Còn Hiến pháp Nhật Bản (1946) lại coi trọng lấy dân làm gốc, xây dựng một đất nước dân chủ, hòa bình, chủ quyền thuộc về nhân dân và Nhật Hoàng tượng trưng cho nước Nhật, tượng trưng cho sự thống nhất của nhân dân Nhật bản… Đó là những nét cơ bản nhất vể Nhật Bản mà bọn mình được giới thiệu qua sự phiên dịch của anh Hiếu – điều phối viên Jica. Còn giảng viên thì không biết một từ tiếng Việt nào ngoài nói “Xin chào!” (Thế thì bọn mình giỏi hơn đứt đuôi rồi, vìđến hôm nay đã biết nói được khối từ tiếng Nhật rất chuẩn). Riêng về mặt phát âm thì người Nhật – cũng như hầu hết những người ngoại quốc khác đều rất khó phát âm được các thanh điệu chuẩn của Việt Nam. Ngay cả Fusehara Thái – người rất sõi tiếng Việt, thậm chí còn biết cả đùa kiểu VN mà cũng chỉ nói được lơ lớ thôi. Cho nên mấy cô giáo dạy tiếng Nhật cứ khen dân VN phát âm chuẩn, thấy khoái phổng cả mũi!
Buổi chiều, sau buổi học, bọn mình được anh Thái và anh Hiếu dẫn đến siêu thị Warner Mycal. Thật hết tả luôn! Tầng trên cùng là rạp cinema, có thể cùng một lúc chiếu 14 bộ phim khác nhau, 3 tầng còn lại là vô vàn các loại hàng hóa đẹp và đắt tiền kinh hồn bạt vía!
Buổi chiều, sau buổi học, bọn mình được anh Thái và anh Hiếu dẫn đến siêu thị Warner Mycal. Thật hết tả luôn! Tầng trên cùng là rạp cinema, có thể cùng một lúc chiếu 14 bộ phim khác nhau, 3 tầng còn lại là vô vàn các loại hàng hóa đẹp và đắt tiền kinh hồn bạt vía!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét