Khách sạn Tân Vạn Thông, 27-1-2004
Hôm nay là một ngày có nhiều ấn tượng thật thú vị. Nếu như cảm giác của ngày hôm qua là sự mệt mỏi do những chuyến hành trình liên miên đơn điệu, thì hôm nay, mặc dù những chuyến hành trình vẫn tiếp tục, nhưng thật vui và bổ ích. Sau một giấc ngủ khá ngon lành, mình tỉnh giấc lúc 7h45’ (giờ TQ, tức 6h45’ giờ VN). 8h điện thoại của khác sạn tự động đổ chuông đánh thức mọi người, và bữa ăn sáng bắt đầu lúc 8h30 với những món ăn đặc sệt TQ: cháo hoa, quẩy, bánh bao, mì sợi, các loại dưa củ muối và trứng luộc. Mặc dù bình thường mình ăn sáng rất í, nhưng cảm giác lạ miệng và muốn thưởng thức mỗi thứ một tí đã khiến mình no căng bụng, tha hồ năng lượng cho một ngày hoạt động.
Đúng 9h xe bus bắt đầu xuất phát. Xe cộ ở TQ hầu hết là xe tự đóng (tinh thần tự tôn dân tộc cao chót vót!) nên chất lượng không tốt lắm, máy nổ ầm ĩ và long sòng sọc, nhất là những khi phải bò lên dốc. Xe to nhất mà họ đóng chỉ có 30 chỗ ngồi – vừa đủ chỗ cho đoàn VN và cô hướng dẫn viễn tên là Hứa Hiểu Phấn. Cô bé này thật nhanh nhẹn, dễ thương, duyên dáng và rất giỏi dùng từ ngữ tiếng Việt, ngay cả những câu khó bằng tiếng lóng, tiếng địa phương, nên đối đáp rất sành sỏi với hội cán bộ đoàn tếu táo chẳng lấy gì làm hiền lành này. Mình xuất thân là dân ngôn ngữ học, mà trong bụng cũng phải thầm phục tài cô bé này, sử dụng ngoại ngữ tốt không kém gì dân bản địa!
Khách sạn mình ở chỉ cách trung tâm thành phố Nam Ninh chừng 1-2 km. Khu trung tâm khá sầm uất, kiến trúc hiện đại và được quy hoạch rất bài bản. Ấn tượng bao trùm nhất: đây là một thành phố “Xanh– Sạch – Đẹp” đúng nghĩa. Cây cối um tùm ven đường đi, nép xen kẽ dưới những cây cổ thụ là những cây nhỏ được xén tỉa hình trụ (người TQ có vẻ khoái hình tròn và hình trụ). Trên đường đi, qua rất nhiều công viên rộng mênh mông với những thảm cỏ mềm mịn đang mùa đổi màu vàng, có cả một công viên quốc tế với đủ các loại cây từ các nước gửi đến. Nghe Phấn nói, thành phố sắp tới sẽ quy hoạch mỗi dãy phố có một công viên riêng ở 2 bên đường đi dành cho người đi bộ và tập thể dục, chơi thể thao – thế thì thiên đường thật!
Quảng Tây là khu tự trị của dân tộc Choang - dân tộc lớn nhất trong số 55 dân tộc thiểu số ở TQ, ngoài dân tộc Hán – vốn có vị trí như dân tộc Kinh ở VN. Trung Quốc có 4 thành phố trực thuộc TW: Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân; có 5 khu tự trị: Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Ninh Hải và Mông (Mông Cổ). Các khu tự trị đươc phép độc quyền về hành chính, phong tục tập quán (tất nhiên là trên cơ sở luật pháp chung của Nhà nước TQ). Quảng Tây có diện tích 23.000 km2 với 48 triệu dân gồm 12 dân tộc. Còn diện tích thành phố Nam Ninh hơn 10.000 km2, dân số 3 triệu người. Người TQ thích ở chung cư, và giá một căn hộ ở khu trung tâm có thể lên tới 2 tỉ VND (thời giá 2004)/120 m2.
Thành phố Nam Ninh được coi là trung tâm du lịch, giao thông, thương mại của Quảng Tây và Nam TQ, còn được gọi là thành phố Xanh, thành phố Mùa Xuân. Đây là đầu mối tỏa đi các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, có sân bay quốc tế với trung bình 30 chuyến bay/ngày. Trên những con đường đoàn mình đi qua là những tòa nhà cao tầng lộng lẫy, cửa hàng cửa hiệu san sát biển quảng cáo rực rỡ đèn màu trang trí. Chỗ nào cũng rực lên màu đỏ của đèn lồng, quất và câu đối, như vẫn còn nguyên phong vị Tết. Đặc biệt có một bức tranh rất to, đẹp được dựng ảnh chân dung 3 vị lãnh tụ nổi tiếng của TQ: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân – cả 3 đều đang vỗ tay và tươi cười, nhưng nếu quan sát kỹ thì thấy lời giới thiệu của Hứa Hiểu Phấn thật có lý: Mao Trạch Đông là lãnh đạo của thời kỳ Trung Quốc đang đóng cửa nên 2 bàn tay vỗ khép chặt vào nhau. Đặng Tiểu Bình thời bắt đầu mở cửa, nên 2 bàn tay vỗ hé mở rộng hơn 1 chút. Còn Giang Trạch Dân là thời kỳ mở cửa nên 2 bàn tay vỗ mở rộng phóng khoáng. Mới thấy người Trung Quốc thật thâm thúy làm sao!
Địa điểm đầu tiên đoàn tới là vườn Thanh Tú Sơn (còn gọi là lộc phổi của thành phố) rộng mênh mông 4,2 ha với bạt ngàn cây xanh và những thảm cỏ vàng. Ở đây có nhiều điểm du lịch rất ấn tượng: Tam Bảo Đường nghi ngút khói hương và đông nghịt người, vì hôm nay là mùng 6 Tết – ngày lễ Quan Âm khai quang đầu năm. Theo như Phấn nói, tên chùa là Tam Bảo Đường, vì ở đây thờ 3 bảo (tượng) là 3 hòn đá tự nhiên từ trên trời rơi xuống, mang hình Phật Thích ca màu ni – Thái thượng lão quân – Quan thế âm bồ tát, nhưng hiện nay chỉ còn 2 bảo được thờ, vì bảo Quan thế âm đã bị mất tích từ lâu. Còn theo lời Bình – chuyên viên Trung tâm du lịch TN - TW Đoàn, thì gọi là Tam Bảo Đường vì thờ 3 đức Phật ở 3 thời: Phật A di đà (thời quá khứ), Phật Quan thế âm bồ tát (thời hiện tại) và Phật Di Lặc (thời tương lai). Chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng trong khuôn viên nhà chùa có nhiều bức tượng thật ấn tượng. Chẳng hạn tượng Phật Ngọc Thích ca mầu ni được chạm khắc từ đá ngọc trắng do Miến Điện tặng, thợ TQ phải chạm khắc trong 1 năm 9 tháng mới xong, tạc dáng Phật đang nằm ung dung tĩnh tại, to bằng 10 người thật. Hay tượng Đức thánh Quan Công bằng đồng đen cao đến 3 mét, đường bệ uy nghiêm. Phía sân sau là những dãy hương thơm to cao hàng mét do những người đi chùa dâng cúng. Không khí nơi đây thật thâm nghiêm, ấm áp và thân thuộc như các ngôi chùa ở VN, khiến cả đoàn có thể quên đi cái lạnh 6 độ ngoài trời. Cũng may là sáng nay trời không mưa như đêm qua, nên nhiệt độ hiếm có này không đến nỗi trở thành không chịu nổi.
Thanh Tú Sơn có 8 ngọn núi, tháp Phượng Hoàng được xây ở ngọn núi cao nhất gồm 3 tầng (tháp ở TQ được xây theo số tầng lẻ với quan niệm số lẻ là số dương- nam, số chẵn là số âm- nữ). Tương truyền rằng : xưa kia vùng này rất nghèo, trời thương nên phái đến 1 con phượng hoàng tỏa ánh sáng lộng lẫy. Cứ sáng sớm tinh mơ, nhà nào mở cửa sớm đón ánh sáng vào nhà thì ánh sáng đó sẽ hóa thành vàng. Nhưng có người tham lam muốn bắt phượng hoàng về làm của riêng, vì thế chim đã bay đi. Từ đó (1970) người dân nơi đây xây tháp để tưởng nhớ phượng hoàng với ước mong một ngày phượng hoàng sẽ trở về.
Từ tháp Phượng hoàng, bọn mình đến thăm vườn Thái Lan - khu vườn được xây vào năm 1997 theo thỏa thuận giữa chính phủ 2 nước nhằm tìm hiểu nền văn hóa lẫn nhau. Tại đây mọi kiến trúc được thể hiện theo đúng phong cách Thái Lan, từ những mái đền tháp lô nhô đến cây cối, cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo… Phấn đùa: “Các anh chị cứ chụp ảnh ở đây, nói đùa là vừa đi du lịch Thái Lan về thì ai cũng tin”. Vào tháng mười, tại đây cũng sẽ diễn ra lễ té nước theo phong tục Thái Lan. Vào 3/3 ở TQ có Tết Dân ca (hát đối) vào đúng dịp hoa đào nở. Rất nhiều lứa đôi tìm hiểu và bén duyên nhau từ Tết Dân ca này, và ai biết hát đối mới tìm được bạn (mình mà sinh ra ở TQ thì chịu ế chồng là cái chắc!). Bọn mình đề nghị Phấn hát thử mấy câu đối đáp, nghe giai điệu thật dễ thương, mà nội dung thì cũng thật thú vị, kiểu như hát đố hoa, hát si, hát lượn của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước mình: “Em đố anh cái gì xòe như cái ô trên mặt nước? Em đố anh cái gì đánh nhau trong nước?” Rồi: “Bố mẹ anh có khỏe không? Nhà anh có bao nhiêu trâu bò?...” Ái chà, con gái ở TQ đắt giá lắm nhé! Lễ thách cưới phải có ít nhất 70 con gà, 4 đầu heo, 10 con heo, 400kg gạo… Đàn ông lấy được vợ về thì chiều chuộng nâng niu hết sức, vì TQ rất hiếm con gái do chính sách chỉ đẻ 1 con (Thảo nào con gái VN mình bị bắt cóc bán sang đây nhiều thế!) Mà những phụ nữ TQ mình đã gặp trông cũng bình thường lắm, chả xinh hơn phụ nữ VN đâu. Xem phim TQ thấy mê mẩn hết cả người, chắc những cô gái xinh như “Hồng lâu mộng” hay “Tây du ký” đã bị bắt cóc hết về các thành phố thuộc TW hay đi đóng phim hết cả rồi!
Rời vườn Thái Lan, cả đoàn đến Thiên Văn Môn – nơi đã từng quay cảnh cho bộ phim “Tây du ký”. Phong cảnh nơi đây rất đẹp. Phía dưới là hồ Diêu trì nuôi rất nhiều cá vàng cảnh, có những con to đến hàng cân. Du khách có thể mua những túi thức ăn giá 2 nhân dân tệ (4.000VND) rắc xuống nước là cá đến hàng đàn, nhưng không được câu cá. Không khí yên tĩnh, thoáng đãng và trầm mặc như ở hồ câu cá của các vua Triều Nguyễn tại Huế mà mình đã từng đến. Phía trên cao, rất cao, dọc theo những bậc đá ngút mắt bóng cây và lá mục rụng dày hàng tấc, bỗng đột ngột hiện ra ngôi tháp Long Tượng 9 tầng cao 33,35 mét được xây từ thời nhà Minh. Đến năm 1937 tháp bị Quốc Dân Đảng phá vì sợ cao quá dễ bị phát hiện. Năm 1984 tháp được xây dựng lại, năm 1986 hoàn thành, mô phỏng đúng lối kiến trúc như thời xưa. Tháp có 8 mặt quay ra 8 hướng, mình đếm được 223 bậc cầu thang, Nam TT lại đếm 224 bậc, nhưng “phệt” quá rồi, để lần sau nếu có dịp sẽ quay lại đây “kiểm tra” chính xác lại vậy.
Bữa ăn trưa ở quán Miêu Vương thật nhiều ấn tượng. Đây là quán của người Mèo (VN) rất được du khách ưa chuộng. Bước chân vào quán, có cả một đội quân mặc quần áo dân tộc sặc sỡ thổi kèn, vỗ tay chào mừng. Các cô cậu phục vụ trong quán đồng thời kiêm luôn diễn viên hát múa, xinh xắn, tươi tỉnh và rất chuyên nghiệp trong việc phục vụ khách du lịch. Trang trí trong quán và sân khấu cũng khá đẹp, tuy thức ăn thì không được hợp khẩu vị lắm. Thú vị nhất là được xem màn “cưới vợ” cho anh Tạo – người được các cô gái chọn làm “chú rể” (Đoàn nào đến ăn ở đây cũng được tổ chức một “đám cưới” như thế). Tất nhiên cô dâu trùm khăn đỏ theo đúng phong tục TQ và rất xinh. Chú rể và cô dâu cùng nhau đi qua một cái cầu bắc bằng một thanh tre, đến đoạn “2 con dê húc nhau” thì tất nhiên chú rể phải cõng cô dâu quay một vòng để đổi chỗ, rồi phải cõng đi tiếp một vòng quanh nhà, sau đó “lì xì” cho cô dâu rồi mới được mở khăn trùm đầu ra và uống rượu cùng (khi uống rượu 2 người phải cầm tai nhau đấy). Chỉ tiếc là anh Tạo không đủ can đảm để… hôn cô dâu một cái và cũng không được “động phòng”. Sau lễ cưới, “đoàn ca nhạc” ùa xuống chúc rượu với khách (một thứ rượu do người Mèo tự nấu, ngọt như rượu nếp vậy). Tất nhiên sau khi uống rượu xong khách phải có “lì xì” cho người mời rượu. Không khí thật vui vẻ thoải mái, cười đến đau cả bụng.
Không khí vui vẻ sau khi rời quán Miêu Vương bỗng bị lắng đi 1 chút khi Phấn đưa đoàn ghé qua 1 nơi gọi là “Tập đoàn chế dược Lưỡng nghĩa hiên Nam Ninh” Qua rất nhiều công đoạn xem xét và giới thiệu cầu kỳ, tóm lại: nơi đây là 1 cơ sở sản xuất và bán thuốc Bắc, những loại thuốc trị “bách bệnh” với những kiểu quảng cáo rùng rợn như: vuốt tay vào sợi xích nung đỏ để quảng cáo thuốc bỏng hiệu “Bảo vô bảo” (mà có phải thuốc đó chỉ chữa được mỗi chứng bỏng không đâu!!!) hay bẻ gãy chân gà rồi bó thuốc lại mà gà vẫn đi được như bình thường để quảng cáo thuốc chữa xương khớp. Rồi lại khám bệnh tư vấn miễn phí nữa chứ! Đến cái đoạn các bác sĩ, dược sĩ ùa vào phòng khám bệnh, kê đơn là mình chuồn thẳng ra ngoài đường đứng chơi. Thế mà cũng khối người “tưởng bở”, mất từ mấy trăm nghìn đến mấy triệu đồng để mua lấy mấy lời an ủi, trêu chọc vào người. Buồn cười nhất là loại thuốc thuốc nhãn hiệu “ Mãnh Long” - nghe nói thả vào bát mì tôm còn làm mì tôm dựng thẳng lên được cơ mà!
Địa điểm cuối cùng đoàn đến thăm trong ngày là Vườn Văn vật - nơi lưu giữ nhiều kiến trúc của các dân tộc thiểu số TQ, nhiều nhất là của dân tộc Choang. Ngay cửa ra vào là biểu tượng 1 cái trống đồng khổng lồ bằng xi măng cao đến 10 mét (trống đồng Quảng Tây có lịch sử 2000 năm) cũng là biểu tượng của dân tộc Choang (họ đánh giá mức độ sự giàu có bằng trống đồng). Mình không rành lắm về khảo cổ, nhưng nhìn thoáng qua thấy nhiều loại hoa văn, hình tượng trên đó cũng khá giống trống đồng VN, chỉ có 1 hình ảnh có vẻ lạ, đó là 2 con ếch đang cõng nhau (ở bên mình, hình như là con cóc, và chỉ có 1 con thôi). Đi sâu vào bên trong vườn là 1 số phong cảnh nhân tạo, kiến trúc nhà cửa, đồ vật lưu niệm, cũng không phong phú lắm. Có 2 điều làm mình lưu ý hơn cả, là 1 ao nước trong veo tĩnh lặng gợi nhớ đến bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, và 1 cây cột giữa trời, quấn quanh là 1 con rồng đang lao mình chúc đầu xuống đất, mà mọi người cười ầm lên gọi đùa: “rồng lộn”!
Trên đường về, mọi người dừng lại ở chợ Hòa Bình - một khu chợ bình dân cách khách sạn khoảng 1 km. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, có vẻ là quá ít ỏi để có thể đi hết 1 khu chợ rộng lớn như thế. Mình chỉ đi được 1 phạm vi rất hẹp ở tầng 1, nhưng cũng có thể hình dung ra hết những ngóc ngách của chợ. Hàng hóa rất nhiều, mà nói thách cũng rất khiếp, có khi cao gấp 3- 4 lần giá bán. Nhưng hình như mọi người đều rất có vẻ hài lòng vì thấy mình “đi chợ” giỏi, mua được nhiều thứ với giá cả chấp nhận được, thậm chí là rẻ so với VN. Nhiều nhất là mua quần áo rét, rồi đến đầu đĩa và dăm ba thứ linh tinh. Không có phiên dịch, nên đi chợ rất buồn cười, chỉ chỉ trỏ trỏ, hoa chân múa tay, viết giá mặc cả ra giấy, rồi cả người mua lẫn người bán đều cười ầm lên vì những giá cả bán - mua chênh lệch nhau như trên trời - dưới đất. Tiếc là thời gian không có nhiều, chứ nếu không chắc túi tiền nhân dân tệ vốn ít ỏi của mình sẽ vơi đi nhanh chóng lắm!
Sau bữa ăn tối, nhiều người vẫn còn tiếc rẻ, lại tiếp tục đi chơi phố cho đỡ buồn. Đoạn đường phố quanh khách sạn mình ở tuy không đẹp lắm, nhưng cũng khá bắt mắt với các biển hiệu quảng cáo đủ màu nhấp nháy. Thời tiết rất lạnh, khá thích hợp với việc đi bộ tung tăng. La cà khắp mọi nơi chốn, cuối cùng mọi người sa vào 1 siêu thị cao 11 tầng. Quả thật là choáng ngợp với đủ mọi thứ hàng hóa lộng lẫy, đặc biệt là quần áo. Đêm nay, chắc giấc mơ của mình sẽ quanh quẩn đi lên đi xuống trong 11 tầng siêu thị này là hết đêm thôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét