Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Hotel Sunroute, TOKYO, 6.6

Hôm nay là ngày đầu tiên trong hành trình chính thức của bọn mình trên đất Nhật. Tạm biệt TT Osic, đoàn lên đường đến Tokyo bằng tàu siêu tốc Shinkansen. Chẳng lẽ lúc nào cũng khen "nhà giàu lắm tiền", nhưng quả thực không còn biết nói gì hơn. Con tàu trắng muốt có 2 toa đầu máy thon dài như đầu cá heo nhẹ nhàng lao vút vào sân ga đón khách rồi bình thản xuất phát ngược trở lại vào đúng 8h23’ (hệ thống tàu siêu tốc của NB chính xác giờ giấc đến từng phút). Trong toa tàu rất hiện đại, tiện nghi, thấy thật dễ chịu và không hề có cảm giác gì khi tàu chạy, vì tàu được điều khiển bằng điện, chỉ thấy cây cối, nhà cửa vun vút ngược lại phía sau. Với hệ thống đường giao thông phân luồng nhiều tầng, phong cảnh nước Nhật như lại càng đẹp hơn khi từ trên cao nhìn xuống.Phố xá nườm nượp các làn xe chạy, nhà cửa san sát và vô cùng đa dạng các sắc màu kiến trúc. Những tòa nhà cao chọc trời kính sáng lóa lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời đứng xen kẽ với những căn nhà nhỏ nhắn xếp san sát như các hộp diêm như những nét chấm phá đầy duyên dáng. Những đường tàu uốn lượn mềm mại lướt bên trên những tòa nhà, những con đường như những dòng sông chảy giữa lưng trời. Nhất là khi đến gần thủ đô Tokyo thì quả thật là choáng ngợp!
11h25’ tàu đến ga IR Tokyo. Hai nhóm Giáo dục và Công chức tạm thời chia tay nhau. Nhóm Giáo dục của bọn mình được anh Horizoe Hideto - điều phối viên chính của chương trình tại Tokyo do tổ chức DAY thực hiện – đón và đưa về Cung Thanh niên NB. Dọc đường đi, trên xe không ngớt những tiếng trầm trồ, nhất là khi xe chay qua thành cổ Edo và nhà khách Chính phủ. Tiếc rằng ngoài trời đang mưa. Bọn mình đến NB đúng vào những ngày bắt đầu mùa mưa dầm. Mưa rả rich hầu như suốt ngày, và tất nhiên là mọi người dân Tokyo đã quá quen với điều đó. Đi trên phố lúc nào cũng có thể bắt gặp những cánh ô đủ mọi màu sắc như những cánh bướm phấp phới. Và bất cứ lúc nào cũng có thể ngẩn ra ngắm những cô gái Nhật xinh đẹp đang hấp tấp đi trên đường, hay vừa đi vừa nghiêng ô gọi điện thoại di động, hoặc đang lễ phép cúi rạp người chào ai đó. Mình đã ngạc nhiên không ít trước hình ảnh đa dạng của những người NB bắt gặp trên đường. Khó có thể tìm được một nét chung nào đó trong cả một đám đông đang đi lại hối hả như một dòng chảy không ngừng, như ai cũng đang có việc gì gấp gáp, ai cũng đang tranh thủ thời gian. Chỉ những người già (từ 50-60 tuổi trở lên) là còn mang những nét đặc trưng mà mình vẫn hình dung về người NB: thấp bé, mắt một mí, mặc trang phục kimono truyền thống. Còn lại số đông TN hiện nay đã mang rất nhiều dáng dấp của người châu Âu: cao ráo, trắng trẻo, nét mặt thanh tú. Có người thì rất xinh đẹp, ăn diện như tài tử điện ảnh vừa bước ra từ bộ phim nào đó, có người lại rất bình dân chẳng khác gì một công chức khiêm nhường ở VN. Đặc biệt trong giới trẻ thì có lẽ đang là một cuộc cách mạng về thời trang với những mái đầu nhuộm hoe vàng tơi tả, rối bù, những khuôn mặt trắng xanh xao với những màu son nhợt nhạt óng ánh, những bắp chân to đi vớ lùng nhùng tụt xuống cổ chân và trang phục thì chẳng ai giống ai, có thể thấy đủ mọi phong cách cả phương Đông lẫn phương Tây, hiện đại, thoải mái và tiện lợi. (Nhưng nếu bảo mình khen người NB ăn mặc đẹp thì đúng là nói dối – trừ mặc kimono ra). Song những người mà mình gặp trong chương trình thì đều rất lịch thiệp, chu đáo và dễ mến. Những người trong Hiệp hội phát triển tài năng trẻ (DAY) hôm nay cũng vậy.
Sau khi đến Cung TN, bọn mình được chiêu đãi bữa cơm hộp toàn món ăn NB truyền thống, trông thật sang trọng và đẹp mắt. Ngoài cơm trắng ra, mình thử đếm có đến 19 loại thức ăn khác nhau, đủ các màu sắc và mùi vị - chủ yếu là vị ngọt, ai không quen thì rất khó ăn. Nhưng không biết có phải vì quá đói (bữa ăn sáng naydo nhà ăn TT Osic chuẩn bị cho bọn mình từ tối hôm qua, mang lên tàu không được mọi người hưởng ứng cho lắm), hay do đã quá chán với những món ăn quen thuộc ở Osic, mà bọn mình “lao vào trận” với một khí thế hoàn toàn mới. Tâm lý tò mò, món gì cũng muốn thử một tí nên cuối cùng nỗi lo lắng của Cô Diễm Nghi “cơm hộp là thứ cơm khó ăn nhất trong các loại cơm của NB” đã bay đi đâu mất trước những hộp cơm được giải quyết gọn gàng sạch sẽ mà không cần phải hô câu khẩu hiệu “Ăn là yêu nước!” nào. Nếu tình hình cứ thế này thì đâu đến nỗi “khó khăn” như Ban Quốc tế vẫn “dọa” bọn mình, làm mọi người phải cảnh giác tha lôi theo lỉnh kỉnh bao nhiêu là mì tôm và các thứ đồ ăn khô khác, đến chán! Nghỉ trưa 20’ ngay tại phòng ăn, đến 13h30’ bọn mình được nghe Hideto phổ biến chương trình trong những ngày ở Tokyo, và được ông Hotoghi – phụ trách phòng Tổng hợp của Cung TN giới thiệu về Cung TN và ĐTN Nhật Bản. Cũng giống như ở VN, ĐTN Nhật Bản cũng có hệ thống ngành dọc từ TƯ tới địa phương. Cấp TƯ là Hội đồng TƯ toàn quốc TN, rồi đến 45 tỉnh, thành đoàn, dưới nữa là các cơ sở đoàn theo địa bàn hành chính (khoảng 60% trong tổng số 33000 đơn vị hành chính cấp xã trở xuống của NB có tổ chức ĐTN). Mọi đối tượng TN tuổi từ 18-30 nếu tự nguyện đều có thể tham gia tổ chức Đoàn, nhưng tỉ lệ nữ tham gia chỉ khoảng 30%. Hội đồng TƯ toàn quốc TN được đặt tại Cung TN – được xây dựng từ cách đây 70 năm, sau đó xây dưng lại cũng đã hơn 20 năm, với kinh phí 5,5 tỉ yên, trong đó 1/10 là do TN toàn quốc đóng góp). Hoạt động chính của Cung TN là các hoạt động văn hóa – thể thao, hoạt động tình nguyện đối với trẻ em và những người già, hoạt động vì hòa bình: phản đối chiến tranh và vũ khí hạt nhân, vận động TN Nhật Bản đến giao lưu với TN các nước châu Á để tìm hiểu và giúp đỡ các nạn nhân của chiến tranh do nước Nhật đã gây ra trong quá khứ… Ông Chủ tịch Hiệp hội Phát triển tài năng trẻ NB – chính là bố của Horizoe Hideto – đang công tác tại Hà Nội và là người rất có thiện cảm với VN, nói tiếng Việt rất thạo. Ngoài Hà Nội, ông cũng đã từng đến một số nơi như TP Hồ Chí Minh, Lào Cai… và đã vô tình bị tai nạn do một tấm kính rớt xuống làm đứt lìa 4 ngón tay, nhưng được các bác sĩ ở VN cấp cứu kịp thời nên đến nay dù tay vẫn còn bị băng nhưng đã có chiều hướng phục hồi rất tốt. Ông đã về khám lại ở NB và các bác sĩ NB đều có chung nhận xét: trình độ của các bác sĩ VN thật tuyệt vời!
4 giờ chiều, bọn mình nhận phòng nghỉ ở Hotel Sunroute Tokyo, 2 người/phòng. Mình và chị Thủy ở tầng 8, phòng 2803. Mình chưa từng ở một KS nào đẹp và đầy đủ tiện nghi như thế này. Chạnh lòng nhớ về gia đình, về quê hương mình, bao giờ mọi người mới được hưởng một cuộc sống sung sướng như thế này đây?...
Bữa ăn tối diễn ra trong một nhà hàng gần KS với cái tên vô cùng ấn tượng; “OH CHA CHA”. Phòng ăn ở tầng 9, đông nghịt người. Những món ăn NB được trình bày rất cầu kỳ đẹp mắt, mỗi tội chẳng biết gọi tên món gì với món gì. Người Nhật chủ yếu cũng chỉ dùng đũa như ở VN mình, không dùng thìa dĩa, và thức ăn chiều nay cũng tương đối dễ ăn. Nhưng vẫn thừa quá nhiều thức ăn, vì khi ăn cơm, món “ruốc” mang từ VN sang lại trở thành món “đắt hàng” nhất!
Sau khi ăn cơm xong, bọn mình không đi thang máy mà nhảy sang băng chuyền để có cơ hội lần lượt vào thăm các cửa hàng ở những tầng dưới. Cũng như ở nhiều siêu thị khác, hàng hóa rất nhiều và trình bày đẹp mắt trong một hệ thống ánh sáng đến hoa mắt chóng mặt. Nhưng so với giá cả ở VN thì đắt không chịu nổi. Một cái mũ vải lưỡi trai khoảng 500.000VND, một chiếc quần bò bình thường khoảng 1,1 triệu, mộ túi xách thường cũng khoảng 1,5 triệu (1 quả chuối còn giá 15.000 đ nữa là!). Chỉ có đồ điện tử là có vẻ rẻ hơn một chút. Nhưng tối nay không ai mua được gì, chỉ rồng rắn nhau đi ngó nghiêng, xem xét rồi nhìn nhau cười rất ư là… Chí Phèo!
Bước ra khỏi cửa hàng, mình gần như không tin nổi vào mắt mình nữa: Cả Tokyo ngập tràn trong ánh sáng điện đủ màu và đủ mọi thứ biển quảng cáo điện tử, trông đẹp hơn ban ngày rất nhiều. Không còn là phim ảnh nữa, mà bọn mình cứ ngỡ như đang đi trong mơ vậy. Nhưng hầu hết bọn con gái đều đang trong tình cảnh “hội chứng say thang máy”, thấy mặt đất dưới chân lúc nào cũng như đang chuyển động tròng trành, nên đều muốn về KS nghỉ. Chỉ có bọn con trai là vẫn say sưa đi ngắm nghía lang thang. Mình cũng thấy tiếc đứt ruột, nhưng phải về phòng giặt giũ và dọn dẹp đã. Để đến mai vậy!
Horizoe tỏ ra vô cùng chu đáo và sáng suốt khi đã mua tặng đoàn 2 cái bàn là và mỗi người một cái ô gấp để đi mưa. Thấy thật cảm động, mặc dù ô không đẹp lắm, nhưng giá trị của món quà đâu phụ thuộc vào sự đắt – rẻ, xấu – đẹp. Thái độ trân trọng và sự hợp lý của món quà đó lúc này còn quan trọng và đáng quý hơn nhiều!                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét