Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Shimane, 15.6

Cả ngày lang thang trên xe bus và ngồi vạ vật khắp mọi nơi, thấy chán ngán hết sức với chuỗi ngày đi thăm thú, làm việc với các cơ quan hành chính và các trường học của các tỉnh với cùng một quy trình nhàm chán: nghe báo cáo, đi thực tế, rồi hỏi han làm rõ thêm những vấn đề quan tâm - ở đâu cũng chỉ có thế. Lúc đầu còn cảm thấy hào hứng, còn tò mò muốn hỏi, muốn nghe, nhưng rồi sau thấy phát chán, vì biết chắc rằng: câu trả lời cuối cùng sẽ chỉ là thế mà thôi! Tất nhiên cũng có nhiều điều mới lạ, nhưng với điều kiện thực tế ở VN thì khó có thể áp dụng được. Ngược lại, hệ thống giáo dục ở NB cũng có nhiều nguyên tắc riêng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ví dụ: Trẻ em từ lớp 1 đến lớp 9 được miễn toàn bộ học phí, và đã học là được lên lớp, không có hiện tượng “lưu ban”, việc đầu tư cho các học sinh có năng khiếu chưa được chú trọng, không có các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh đến lớp được tương đối tự do trong ăn mặc, đầu tóc, nói năng. Và cái gọi là “mốt” của học sinh Nhật Bản thì không biết phải bình luận thế nào nữa. Cũng có đồng phục, nhưng trông cứ lộn xộn, nhếch nhác làm sao ấy! Đầu tóc thì bờm xờm, chỗ vàng chỗ đen, cái ngắn cái dài, cứ như cả năm không gội đầu. Nhưng may là hôm nay đến trường tiểu học và trung học Taisha, cảm thấy đỡ mệt mỏi vì h/s ở trường rất hồn nhiên và tình cảm nữa. Cứ tíu ta tíu tít cả trong giờ học, cả trong giờ ăn cơm, đến lúc chia tay vẫn còn rối tinh rối mù chạy theo xe vẫy mãi. Chị Miwa – người sẽ đón mình về homestay lại nhiệt tình đi theo đoàn từ sáng sớm đến tận buổi chiều. Trông onesan (chị gái) của mình rất xinh đẹp và dễ chịu khiến bọn nó cứ ghen tị mãi. 17 giờ chính thức bắt đầu chương trình homestay. Chiếc xe bus lần lượt thả từng nhóm xuống 3 địa điểm tập kết: khu vực Izumo, khu vực Taisha, khu vực Kisuki. Đứa thì rơm rớm nước mắt, đứa thì nước mắt chảy dài, đứa thì lo lắng đến bạc mặt vì những lời “dọa dẫm” của điều phối viên (cứ vừa đấm vừa xoa!) Nào là: nhiều người không chịu được căng thẳng, phải gọi điện thoại cho điều phối viên đòi về, vì không biết nói gì, làm gì với người nước ngoài trong 3 ngày dài đằng đẵng. Nào là: cũng chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, người ta chịu được thì mình cũng chịu được, cùng lắm thì gọi điện cho một trong ba điều phối viên, nói tên mình và gào: “Help me! ” Chẳng biết mọi người thấy thế nào, nhưng mình chẳng lấy gì làm bận lòng về chuyện đó. Có chết cũng không bao giờ gọi điện báo cho ai cả. Chẳng lẽ “đường đường một đấng anh hào” thế này mà lại sợ 3 ngày ở homestay sao?
Gia đình mình đến ở, gần ngay trung tâm khách sạn Royal, nhưng nằm sát chân núi. Nhà cửa ở đây phần lớn đều chỉ 1-2 tầng lợp ngói, chen lẫn với rất nhiều cây xanh. Anh Mikiro – chồng của chị Miwa (mình gọi là onisan – anh trai) trông cũng rất dễ chịu. Nhà có 7 người, ngoài anh chị còn có bà (obasan), mẹ (okasan) và 3 đứa con: Reiji (17 tuổi), Sawako (14 tuổi), Taichi (11 tuổi). Mình nhìn thấy gia đình có tới 3 cái ô tô. Mình được dành riêng cho một căn phòng ở rộng mênh mông, có cả phòng ngủ, phòng khách, bếp, WC, và trong phút đầu tiên mình đã hoảng hồn với cái “mê hồn trận” của các phòng trong cả khu nhà, không còn biết đường nào là đường dẫn về phòng mình nữa. Chỗ nào cũng thấy cửa, cửa nào cũng giống cửa nào (ui, nếu mà mở nhầm cửa phòng thì tệ nhỉ?). Đây là một mô hình gia đình Nhật truyền thống, từ việc ở “tam đại đồng đường” cho đến cách kiến trúc cũng vậy. Trần nhà thấp, tường bằng giấy bồi, cửa đẩy ngang, nhiều hành lang, trong nhà không đi dép, ngồi xếp chân trên gót (cả nhà chẳng kiếm được một cái ghế nào)… Trong những hốc tủ tường xinh xắn (tủ rộng kín cả bức tường) có không biết bao nhiêu là chăn đệm, có thể đủ cho cả đoàn mình ngủ lại cũng nên. Gia đình không có vẻ giàu có lắm, nhưng chắc cũng sung túc, cả hai vơ chồng đều đẹp và có tri thức, tôn trọng nhau và biết chia sẻ công việc gia đình với nhau nữa. Chị dạy ở trường trung học số 3 của Izumo, anh là kiến trúc sư, kỹ sư điện tử, đều làm việc ở gần nhà.
Buổi tối đầu tiên trôi qua không đến nỗi nào. Bằng cả vốn tiếng Nhật và tiếng Anh “bồi”, đôi bên đã có vẻ hiểu biết và thân thiện với nhau. Đến hơn 12h đêm mới đi ngủ được. Ở đây sát chân núi nên đêm rất lạnh, chắc là sẽ khó ngủ đây. Cảm thấy cô đơn, chạnh lòng khi ở một mình trong một gian phòng rộng mênh mông của một gia đình ít nhiều còn xa lạ. Các con và anh chắc đã ngủ lâu rồi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét