Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Truyện ngắn HOA TIGON


Vào 7/1937, báo "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" xuất bản tại Hà Nội đăng truyện ngắn "Hoa ti-gôn" của ký giả Thanh Châu. Người ta kể rằng, sau đó không lâu, có một người thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn, mang đến toà soạn một bì thơ dán kín gửi cho chủ bút, trong đó chỉ gọn một bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn", dưới ký tên T.T.Kh.


Truyện ngắn Hoa "Tigôn"
Tác giả: Thanh Châu

"... Hoa leo ti-gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người... " - Khái Hưng(Gánh hàng hoa)


Sáng nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, họa sư Lê cũng không quên mua một bó hoa "Ti-gôn". Đó là thói quen của họa sư mà không một người bạn hay người bạn học trò thân nào là không biết rõ. Đến mùa hoa "Ti-gôn" nở nhiều nhất, trong nhà họa sư Lê người ta chẳng còn thấy một thứ hoa nào khác. Mà có người nào tẩn mẩn ngắt một nụ hoa nho nhỏ ấy xem kỹ, họ sẽ phải cho lời nhận xét của họa sư Lê là đúng: "Hoa Ti-gôn hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuộm máu đào". Rồi người ta tự hỏi thầm :

"Tại sao họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi? Chắc lại có điều tâm sự chi đây... "

Một buổi trưa - hồi đó Lê Chất hai mươi bốn tuổi, còn là hoạ sĩ nghèo mới ở trường ra - đạp xe về các vùng lân cận Hà Nội, Lê Chất rẽ vào làng Mọc với giá vẽ buộc trên xe. Người thiếu niên ấy đi tìm cảnh đẹp.

Mà cảnh đẹp ở đây là một thiếu nữ chàng mới gặp chiều qua.

Đến gần một ngôi nhà cũ kỹ, trông ra dáng biệt thự của một quan hưu dùng làm chỗ nghỉ ngơi. Chất hãm xe, nghển cổ nhìn qua một hàng rào cây tốt um tùm. Chiều qua, lúc Chất dắt xe rất nhanh qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, bỗng thấy một thiếu nữ đứng trên một chiếc ghế cao, đang với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nữa. Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một màu da khỏe mạnh, như thứ da thường ra nắng của những cô gái nhỏ. Hai má ửng hồng, vài sợi tóc trên vừng trán, cảnh "con gái hái hoa" ấy như một bức tranh linh động, khiến người họa sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt. Khuôn mặt đều đặn, vẻ đẹp thông minh, nhất là đôi môi có một nét vẽ lạ, đó là thứ nhan sắc hiếm hoi, ai trông thấy lần đầu đều in sâu trong trí nhớ. Thiếu nữ vô tình, bận gỡ hoa trên giàn đã để Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ. Đến khi cô gái bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt nhìn ra đường thấy có người đứng nhìn mình, mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng.

Nhưng từ hôm đó, hôm nào họa sư cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự. Thiếu nữ động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà.

Lê Chất chỉ được trông thấy nàng vài lần nữa rồi thôi, bởi ngôi nhà hình như sau đó không có người ở nữa, ngày nào cũng chỉ thấy có một ông già cuốc cỏ trong vườn.

Rất lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ. Anh cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ. Anh đã vẽ nhiều croquis cất trong an-bom để ghi giữ lại, rồi dần dần cũng quên đi...

Lê Chất đã nổi tiếng. Thầy học cũ của anh vì mến tài, đã đưa anh lên một địa vị mà nhiều người ghen tỵ. Tranh của anh được nhiều báo nước ngoài nói đến và bán với giá cao. Anh bỏ lối phong cảnh để vẽ người. Tranh vẽ người, nhất là tranh vẽ đàn bà khiến các bạn Chất tặng cho cái tên : "Người lấy máu để vẽ các cô gái đẹp". Họa sĩ đã trở nên giàu có, ăn mặc sang, khó tính, Lê Chất bây giờ đã đứng tuổi, từ lâu không còn là gã họa sĩ nghèo huýt sáo đạp xe quanh vùng lân cận Hà thành đi tìm cảnh đẹp, với giá vẽ buộc trên xe đạp.

Mùa lạnh năm ấy, Lê Chất đi vẽ ở một vùng Vân Nam phủ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi của tòa nhà lãnh sự Pháp, họa sĩ trông thấy một thiếu phụ ta, đẹp một vẻ khác thường, nhưng có dáng buồn. Chất bỗng ngờ ngợ như hơn một lần đã gặp người này. Ở đâu? Chất giật mình. Có thể nào? Nhưng quên làm sao khuôn mặt ấy, đôi môi ấy? Nhờ một người quen giới thiệu, Chất được rõ : thiếu phụ là vợ một viên chức trong tòa lãnh sự.

Trong khi nhảy với thiếu phụ trong một bản "tăng gô", Lê Chất đột nhiên hỏi :

- Bà vẫn thích hái hoa "ti-gôn" chứ ?

Thiếu phụ nhìn chàng rất ngạc nhiên :

- Ông nói gì... tôi không hiểu.

- Có lẽ bà đã quên cả Hà thành, làng Mọc, cái biệt thự xinh xinh có một giàn hoa...

Người đàn bà ấy kêu lên, mắt long lanh :

- Có phải ông là cái anh chàng họa sĩ vẫn nhìn trộm tôi ngày trước đó không ?

Nàng nói tiếp :

- Thảo nào mới nhìn ông tôi cũng nghĩ không biết đã gặp ở đâu rồi. Tám, chín năm rồi đấy, thế mà chúng ta còn nhận được nhau...

Mai Hạnh - tên thiếu phụ - rất buồn ở Vân Nam phủ. Nàng không có bạn. Lấy một người chồng gia thế cân đối với nhà mình, cuộc đời nàng bằng phẳng nơi đất khách. Bây giờ gặp được người cùng xứ, người đó đã dự vào dĩ vãng tươi đẹp của mình, một họa sĩ nổi danh, nàng không có cảm tình với Lê Chất làm sao được ? Hạnh thường đến chỗ họa sĩ trọ, thăm viếng mỗi ngày, và thuận sẽ cho chàng vẽ một chân dung.

Một buổi sáng, hai người đi chơi, trên một ngôi chùa Tàu cheo leo trên đỉnh núi, Lê Chất hỏi :

- Tôi biết thế nào trong đời tôi cũng còn gặp Hạnh, bởi vì không bao giờ tôi quên cái buổi chiều ở làng Mọc. Nhưng số mệnh khiến chúng ta gặp nhau lần này có phải là để chúng ta chỉ có thể trở thành đôi bạn thôi ư ? Hạnh có đoán được lòng tôi lúc này không ?

Mai Hạnh, giọng run run, tái nhợt, giơ tay bịt miệng Lê Chất. Nhưng khi Chất đã ôm nàng thì Hạnh không cưỡng lại :

- Em cũng yêu anh ngay từ buổi đầu.

Thế là, hai người như sống trong một cơn mê.

Mai Hạnh cố chống chọi lại với tình yêu mỗi ngày một lớn, còn Lê Chất thì lo ngại, tính toán như ngồi trên đống lửa. Chàng dự định cùng Hạnh trốn đi Nhật, không cần danh dự, chức nghiệp, dư luận của người đời. Nhưng Mai Hạnh tuy yếu đuối hơn, rụt rè, e ngại, sau cùng cũng nhận lời.

Lê Chất trở về Hà Nội, sắp đặt song mọi việc, lo lót giấy tờ tiền bạc, đồ dùng đi xa, tất cả đã sẵn sàng, thì phút cuối cùng nhận được thư của Hạnh : "Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không có thể theo anh. Đừng giận em tội nghiệp, em không phải là loại đàn bà có thể vượt được hết những khó khăn như anh đã tưởng. Đến phút cuối cùng em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời, những lo ngại ở tương lai... Em đã thấy rằng : nếu đi với nhau chưa chắc chúng ta đã sung sướng. Anh thấy chưa? Em là một đứa hèn ! Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hy sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia. Vậy mà em yêu anh có thể chết vì anh được. Trong đời anh còn nhiều chuyện, anh có thể quên em được đấy ! Nhưng còn em thì thật chẳng bao giờ, chẳng bao giờ ! Vì em biết sẽ không bao giờ an ủi được, bởi em đã làm hỏng đời em, nếu em chẳng theo anh... ".

Trong thư, một dây hoa "ti-gôn" nhỏ ép rơi ra : những nụ hoa chum chúm hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu đào.

Lê Chất đặt một cái hôn lên những cánh hoa, và khóc. Nhưng đó là một kẻ đàn ông có nghị lực. Chàng đi du lịch Phù Tang có một mình.

Bốn năm sau, một hôm họa sư Lê Chất thấy trên bàn mình một phong thư viền đen báo tang. Ông mở ra xem thì đó là người chồng Mai Hạnh báo tin nàng đã chết.

Họa sĩ đáp xe lửa đi Vân Nam ngay để một buổi chiều đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa quen thuộc. Rồi trở về Hà Nội, ông sực nhớ ra rằng đã quên không hỏi xem Mai Hạnh chết vì một bệnh gì, một cơn cảm sốt.. hay vì sầu muộn...

Ngày nay, họa sư Lê Chất đã già, nhưng cứ đến mùa hoa "ti-gôn" nở, không buổi sáng nào ông quên mua một ôm về thay thế cho hoa cũ trong phòng vẽ, vì thứ hoa ấy chóng tàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét